{SLIDE}

Viêm xoang

Thứ tư, 23/01/2019 - 09:23 AM
Viêm xoang

1Viêm xoang là gì?

Viêm xoang là một tình trạng viêm, đau, hay nhiễm trùng xảy ra ở các xoang cạnh mũi. Các bệnh viêm xoang thường gặp là viêm xoang hàm trên ngay vùng dưới mắt, và xoang sàng là vị trí ngay giữa hai mắt.

Theo y học, bệnh viêm xoang được chia thành 2 thể:

- Viêm xoang cấp tính là bệnh xảy ra đột ngột, thời gian nhiễm trùng có giới hạn nhỏ hơn 12 tuần, tự khỏi hoặc khỏi do điều trị, và tái phát nhỏ hơn 4 lần/năm.

- Viêm xoang mạn tính thuộc loại lâu dài và thường hay tái phát.

Viêm xoang có thể đẫn đến các biến chứng nguy hiểm ở đường hô hấp như: viêm thanh quản, khí phế quản, viêm họng, viêm tai giữa. Một số biến chứng liên quan đến sọ não như: viêm màng não, hoặc có thể áp xe não…

2Triệu chứng của viêm xoang

Giai đoạn cấp tính:

- Người bệnh bị viêm mũi xoang lần đầu mà trước đó niêm mạc mũi xoang hoàn toàn bình thường. Nhóm xoang trước thường hay gặp trong đó xoang hàm hay gặp nhất vì nó tiếp xúc đầu tiên với các tác nhân gây bệnh. Các xoang sau ít gặp hơn. Có thể viêm một xoang đơn độc: viêm xoang hàm cấp do răng. Nhưng thường gặp là viêm nhiều xoang vì các xoang đều thông với nhau qua hốc mũi.

- Thường biểu hiện một tình trạng nhiễm trùng: Sốt 38 - 39 độ C, mệt mỏi, kém ăn, suy nhược.

- Ở trẻ em thường có biểu hiện một hội chứng nhiễm trùng rõ rệt và sốt cao.

- Bệnh nhân thường đau dữ dội ở trán, má hoặc thái dương, đau lan xuống răng toả ra nửa đầu, thường đau về buổi sáng do ban đêm dịch tiết và mủ bị ứ đọng trong lòng xoang.

- Chảy mũi một hoặc hai bên, lúc đầu trong sau đục vàng, xanh mùi tanh, thối đôi khi có lẫn máu.

- Nghẹt mũi: hai bên, nghẹt nhiều bên viêm, đặc biệt khi nằm vào ban đêm.

- Giảm hoặc mất khứu giác tạm thời.

Giai đoạn mạn tính:

- Người bệnh bị chảy mũi thường xuyên, chảy một bên hoặc hai bên, chảy mũi kéo dài hàng tháng, nhiều vào buổi sáng. Lúc đầu chảy mủ nhầy trắng, sau đặc xanh hoặc vàng, mùi tanh hoặc thối do bội nhiễm. Mủ thường chảy ra cửa mũi sau xuống họng hoặc xì ra cửa mũi trước.

- Nghẹt mũi tăng dần và ngày càng rõ rệt dẫn đến tắc mũi hoàn toàn do mủ ứ đọng, niêm mạc phù nề, cuốn giữa thoái hoá, cuốn dưới quá phát hoặc do polype. Thường nghẹt mũi cả hai bên, nhưng có thể một bên nếu viêm xoang do răng.

- Rối loạn về ngửi: bệnh nhân sẽ ngửi kém từng lúc, tăng dần hoặc mất ngửi hoàn toàn vì các dây thần kinh khứu giác bị nhiễm trùng, sưng, phù nề dẫn đến mất chức năng.

- Nhức đầu: âm ỉ hay thành cơn ở vùng trán, hai bên má hoặc đau nhức xung quanh ổ mắt, sâu trong ổ mắt, đau vùng chẩm phía sau nếu là viêm xoang sau.

- Ngoài ra, bệnh nhân thường có biểu hiện viêm mũi họng mạn tính hay viêm đường hô hấp như ho khan, ngứa họng, đằng hắng hoặc khạc nhổ liên tục.

3Nguyên nhân của bệnh viêm xoang

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh viêm xoang vì đây là căn bệnh rất dễ mắc, và tái phát theo mùa:

- Khi không khí có nhiều khói bụi, thuốc lá hay môi trường làm việc độc hại thì vi khuẩn sinh sôi, nảy nở khiến cho vùng mũi bị tổn thương sau đó phát triển thành viêm xoang.

- Với những người có sức đề kháng kém, cơ thể không đủ sức để chống lại các loại vi khuẩn xâm nhập vào đường hô hấp. Hay những người có lối sông không lành mạnh như ăn uống không vệ sinh, không rửa tay, không vệ sinh răng miệng, sâu răng hoặc nhiễm trùng răng hàm trên. Ngoài ra còn có thể bị viêm xoang sau một tai nạn, hay chấn thương xung quanh vùng xoang mũi, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, phát triển.

- Các bất thường cấu trúc của mũi như vẹo vách ngăn, hệ thống lông tiết bị thay đổi cấu trúc bất thường dẫn đến chức năng của mũi bị xáo trộn.

- Có trường hợp bệnh nhân sau khi bị nhiễm virut như: sởi, cúm… bị bội nhiễm hay viêm mũi dị ứng kéo dài tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh viêm xoang tiến triển nặng hơn.

- Bản chất, cơ địa dễ bị dị ứng bởi hóa chất, các loại hải sản, hay phấn hoa, nếu để lâu ngày sẽ gây ra hiện tượng phù nề, ách tắc, hậu quả là các xoang không làm việc đúng chức năng.

4Cách điều trị viêm xoang

Tùy theo từng giai đoạn, hay tình trạng tổn thương cũng như nguyên nhân gây bệnh sẽ có phương pháp điều trị khác nhau.

Khi có dấu hiệu của bệnh viêm xoang, người bệnh nên rửa mũi bằng nước muối sinh lý 0.9% kết hợp xông mũi bằng tinh dầu để rửa sạch bụi bẩn và làm thông thoáng vùng mũi.

Tránh xa các loại phấn hoa, khói bụi, khói thuốc lá hay môi trường ô nhiễm. Nên tập thói quen rửa tay, vệ sinh cá nhân, hay răng miệng sạch sẽ.

Nên bổ sung các loại trái cây có tính chất chống oxy hóa, tăng cường miễn dịch như cam, nho đen... Cân bằng cuộc sống, giảm stress, giảm tình trạng quá tải trong công việc.

Để tránh tình trạng nhiễm trùng lây lan, nên tiêm vacxin phòng bệnh cúm, và các bệnh nhiễm trùng cơ hội ở đường hô hấp trên.

Với những trường hợp viêm mũi xoang cấp do cảm cúm nên dùng thuốc cảm thông thường như paracetamol, chlorpheniramine, giảm đau, thuốc chống dị ứng; phun khí dung hoặc thủ thuật súc rửa xoang.

Nhưng đối với tình trạng nhiễm trùng bác sĩ sẽ chỉ định kháng sinh điều trị phù hợp dựa trên vị trí đau của bệnh nhân.

Phương pháp điều trị bằng phẫu thuật (nội soi hoặc mổ hở) được chỉ định khi viêm xoang nặng không đáp ứng với điều trị nội khoa, hoặc có các biến chứng sang các vùng khác như mắt, tai...

5Cách phòng bệnh viêm xoang

Để phòng tránh bệnh viêm xoang có hiệu quả và không tái phát, nên nghe theo lời khuyên của bác sỹ và tập thói quen sống lành mạnh. Dưới đây là một số hướng dẫn nên, và không nên để phòng bệnh viêm xoang.

Nên:

- Đeo khẩu trang trước khi ra đường và sử dụng bảo hộ lao động khi làm việc trong môi trường khói bụi, độc hại. Giữ môi trường xung quanh luôn sạch sẽ, khô thoáng, thường xuyên giặt chăn, mền, hay khăn lau, tránh xa khói bụi, chất thải, khói thuốc lá...

- Nên để máy lạnh ở nhiệt độ vừa phải, không quá lạnh, giữ ấm cơ thể, nhất là vùng mũi, và vai gáy, khi đi ngoài trời lạnh, trời mưa, đặc biệt là buổi tối, hoặc sáng sớm những thời điểm dễ bị cảm và chuyển thành viêm xoang.

- Nên vệ sinh mũi thường xuyên với dung dịch nước biển sâu hay súc rửa miệng với nước muối.

- Nên uống nước đun sôi để nguội và uống nhiều nước vì nước làm loãng chất nhầy, bong lớp mũi đặc và tạo rãnh thông thoáng, dễ khạc đờm, tống bụi bẩn ra ngoài.

- Nâng cao thể trạng, tăng cường sức chống đỡ của niêm mạc: tập luyện thể dục thể thao thường xuyên kết hợp với chế độ dinh dưỡng hợp lý ăn nhiều rau xanh, chất xơ, hoa quả…

Không nên:

- Không nên làm việc quá sức, lo lắng nhiều, hệ miễn dịch của cơ thể suy yếu rất dễ bị nhiễm trùng. Không nên dùng chung vật dụng cá nhân với người bị viêm xoang, vì bệnh có thể lây lan.

- Nếu như thấy có các triệu chứng như hắt hơi, chảy nước mũi, tắc mũi, cần được điều trị ngay tránh trường hợp để biến thành bệnh viêm xoang.

- Không nên uống nước để trong tủ lạnh hoặc nước đá, tránh những món ăn mà cơ thể bị dị ứng như hải sản, thịt bò… Và hơn hết không nên uống cà phê, bia, rượu và các chất kích thích khác như nước ngọt…

Viêm xoang là bệnh thường gặp và rất dễ tái phát khi điều kiện thời tiết hay khí hậu thay đổi, ô nhiễm. Nếu thấy có những triệu chứng như đau đầu, đau mặt, sốt cao, nghẹt mũi có khi là sổ mũi, dịch mũi màu vàng hoặc xanh. Đau tai, ù tai, và lâu dài mũi không còn ngửi được mùi nữa thì nên đi khám bác sỹ để kịp thời điều trị. Nên giữ vệ sinh răng miệng sạch sẽ, vệ sinh môi trường ngăn nắp, khô thoáng. Và có chế độ ăn uống hợp lý để phòng bệnh một cách hiệu quả tốt nhất.

(Hình ảnh tổng hợp từ Pinterest, Health Annotation, Google,...)

Bình luận của bạn
*
*

Bệnh Tai, Mũi, Họng liên quan

HỆ THỐNG NHÀ THUỐC Y ĐỨC
CSKH: 354 Nguyễn Văn Công, Phường 3, Quận Gò Vấp, TP.HCM
Email: lienhe@nhathuocyduc.vn
Tel: 0937.58.1984
Ds Trần Văn Quang

© Bản quyền thuộc về nhathuocyduc.vn

Hiệu quả của sản phẩm có thể thay đổi tùy theo cơ địa của mỗi người.
Sản phầm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.
*** Website nhathuocyduc.vn  không bán lẻ dược phẩm trên Online, mọi thông tin trên website nhằm cung cấp thông tin tham khảo sản phẩm. Website hoạt đồng dưới hình thức cung cấp thông tin tham khảo cho nhân sự trong hệ thống và là nơi Người dân tham thảo thông tin về sản phẩm.

Thiết kế bởi www.webso.vn

0937581984

Back to top